👉 👉 Từ Singapore tới Sydney, giá nhà đua nhau tăng vọt.


VTV.vn – Bất chấp làn sóng COVID-19 lây lan nhanh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, giá BĐS tại nhiều trung tâm tài chính lớn vẫn đang tăng vọt, một số nơi thậm chí tăng 37%.

Người mua nhà đang tận dụng các biện pháp kích thích kinh tế tiếp tục được chính phủ tung ra nhằm giảm bớt tác động của đại dịch. Trong khi đó, các nhà đầu tư quốc tế đang tìm kiếm nơi trú ẩn tài sản của họ trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Để có bức tranh toàn cảnh về diễn biến của giá bất động sản, CNBC đã so sánh giá bán trung bình của các bất động sản từ 1-4 phòng ngủ tại 4 thành phố lớn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương là Singapore, Seoul, Sydney và Đài Bắc.

Từ Singapore tới Sydney, giá nhà đua nhau tăng vọt - Ảnh 1.

Các so sánh dựa trên sự kết hợp của dữ liệu từ các chính phủ và những địa điểm bất động sản địa phương. Trong trường hợp của Seoul, thủ đô Hàn Quốc, nơi các bất động sản được tính bằng đơn vị địa phương “pyeong”, giá đã được quy đổi theo số phòng ngủ tương đương.

Để làm căn cứ so sánh, CNBC lấy giá nhà trung bình trên toàn quốc tại Mỹ vào tháng 7 là 385.000 USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu của realtor.com.

Ngoài ra, nêu lý do lựa chọn 4 thành phố trên, CNBC cho rằng 4 thành phố này đều là những trung tâm kinh doanh quốc tế theo đúng nghĩa, trong đó Singapore nổi bật là thành phố đắt đỏ nhất để sở hữu một căn hộ so với Seoul, Sydney và Đài Bắc.

Dưới đây là những lát cắt về giá bất động sản ở 4 thành phố theo đánh giá của CNBC.

Singapore

Là trung tâm tài chính của châu Á, Singapore nổi tiếng với những tòa nhà chọc trời và phí sinh hoạt cao. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi giá bất động sản nơi đây thuộc hàng đắt đỏ bậc nhất trong số 4 thành phố mà CNBC nghiên cứu.

Từ Singapore tới Sydney, giá nhà đua nhau tăng vọt - Ảnh 2.

Giá bất động sản Singapore thuộc hàng đắt đỏ bậc nhất trong khu vực (Ảnh: Getty).

Theo dữ liệu trên trang bất động sản PropertyGuru trong 7 tháng đầu năm nay, giá bất động sản một đến 2 phòng ngủ ở các quận trung tâm giàu có của các bang có giá khoảng 1,03 triệu USD (gần 24 tỷ đồng). Trong khi đó, các bất động sản từ 3-4 phòng ngủ có giá gần 2,5 triệu USD (57,5 tỷ đồng).

Nhìn chung, giá căn hộ một và hai phòng ngủ trong năm tính đến hết tháng 7 vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, giá bất động sản 3 phòng ngủ lại chứng kiến mức tăng đáng kể, hơn 5% so với cùng kỳ hàng năm, đặc biệt là tại các khu phố đáng mơ ước như Alexandra, Commonwealth, Chinatown và Tanjong Pagar.

Ông Tee Khoon Tan – Giám đốc PropertyGuru Singapore – cho biết vị trí trung tâm của các địa điểm như vậy, kết hợp với không gian rộng rãi hơn để làm việc từ xa đã khiến cho bất động sản 3 phòng ngủ trở thành một lựa chọn thuận lợi.

“Không gian rộng rãi không còn là một thứ xa xỉ mà là một điều cần thiết”, ông nói và cho rằng: “Như vậy, người mua nhà có thể cho rằng căn hộ 1-2 phòng ngủ là quá nhỏ. Cùng với đó là việc giá trên mỗi m2 của các căn 1-2 phòng ngủ cao hơn nên các căn 3 được ưa chuộng hơn”.

Nhưng điều tương tự lại không xảy ra với các bất động sản 4 phòng ngủ. Giá của các bất động sản này vẫn ổn định trong năm nay, thậm chí một số nơi còn giảm khi người bán tìm cách thu hút người mua cao cấp hơn.

Seoul, Hàn Quốc

Theo nghiên cứu của CNBC, thủ đô Seoul sôi động của Hàn Quốc xếp sau Singapore và là một trong những thành phố có giá bất động sản đắt đỏ ở châu Á – Thái Bình Dương.

Từ Singapore tới Sydney, giá nhà đua nhau tăng vọt - Ảnh 3.

Seoul nổi tiếng với giá bất động sản cao ngất ngưởng (Ảnh: Getty).

Thành phố Đông Á này từ lâu đã nổi tiếng về giá bất động sản cao ngất ngưởng và năm nay cũng không khác gì khi xuất hiện tầng lớp người mua sẵn sàng trả giá chớp nhoáng để mua được.

Các căn hộ một và hai phòng ngủ có diện tích lên tới 99 m2 ở quận Gangnam, khu dân cư giàu có của Seoul, có giá trung bình là 855.000 USD (gần 20 tỷ đồng), theo dữ liệu của ứng dụng bất động sản Hàn Quốc Zigbang tính đến tháng 7.

Trong khi đó, các bất động sản 3-4 phòng ngủ có diện tích từ 99 – 165 m2 có giá khoảng 1,8 triệu USD (hơn 41 tỷ đồng).

Cũng giống như Singapore, tốc độ tăng giá tại Hàn Quốc ít gay gắt hơn tại các bất động sản nhỏ. Trong 6 tháng đầu năm, giá căn hộ một phòng ngủ có diện tích dưới 66 m2 đã tăng 5%.

Các căn hộ officetel kiểu studio hoặc các tòa nhà kết hợp bất động sản thương mại và nhà ở phổ biến đối với những người ở độc thân – tăng 8%. Các bất động sản lớn hơn tăng trung bình 31% hàng năm, trong khi các bất động sản lớn nhất tăng mạnh nhất.

Ông Young-jin Ham – người đứng đầu bộ phận dữ liệu tại Zigbang – cho biết giá bất động sản liên tục tăng là do lãi suất thấp cũng như thanh khoản dồi dào và thiếu giải pháp đầu tư thay thế.

Tuần trước, ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã công bố tăng lãi suất chính sách, trở thành nền kinh tế phát triển đầu tiên tăng lãi suất trong kỷ nguyên đại dịch. Điều này được kỳ vọng có thể làm hạ nhiệt cơn sốt trên thị trường bất động sản nước này. Tuy nhiên, ông Ham cho biết ông không thấy giá nhà sẽ sớm giảm xuống.

“Tôi tin rằng thị trường sẽ có biến động. Nhưng tôi chưa thấy giá sẽ giảm trong năm nay. Tôi dự báo xu hướng tăng giá sẽ tiếp tục trong năm nay”, ông nói.

Sydney, Australia

Thành phố ven biển Sydney của Australia là một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất nước này. Mặc dù vậy, so với nhiều điểm nóng trong khu vực, bất động sản Sydney vẫn được coi là rẻ hơn.

Từ Singapore tới Sydney, giá nhà đua nhau tăng vọt - Ảnh 4.

So với nhiều điểm nóng trong khu vực, bất động sản Sydney vẫn được coi là rẻ hơn (Ảnh: Getty).

Hồi tháng 6, các căn hộ một và hai phòng ngủ ở Greater Sydney có giá trung bình là 574.246 USD (hơn 13 tỷ đồng), theo dữ liệu của trang bất động sản trực tuyến Domain.

Trong khi đó, giá trung bình của các bất động sản từ 3-4 phòng ngủ là 914.969 USD (21 tỷ đồng).

Trong nửa đầu năm nay, giá bất động sản ở Sydney tăng ở mức khiêm tốn 3% ở các căn hộ 1-2 phòng ngủ nhưng tăng 8% ở các căn hộ 3 phòng ngủ.

Tuy nhiên, giá nhà ở lại tăng mạnh hơn nhiều với mức 15% đối với nhà có 2 phòng ngủ và 27% đối với nhà có 4 phòng ngủ. Điều thú vị là những căn hộ có 4 phòng ngủ có mức tăng giá lớn nhất khi tăng 37% so với cùng kỳ hàng năm.

Ông Nicola Powel – Giám đốc nghiên cứu và kinh tế của Domain cho biết điều này cho thấy các ưu tiên của người mua nhà đã thay đổi và không gian trở thành ưu tiên lớn hơn.

Đài Bắc, Đài Loan

Trong số các thành phố châu Á – Thái Bình Dương mà CNBC nghiên cứu, Đài Bắc là thành phố có giá bất động sản phải chăng nhất.

Từ Singapore tới Sydney, giá nhà đua nhau tăng vọt - Ảnh 5.

Đài Bắc có giá bất động sản phải chăng nhất (Ảnh: Getty).

Theo dữ liệu tháng 6 do Savills tổng hợp, các căn hộ 1-2 phòng ngủ ở Đài Bắc có giá trung bình là 473.500 USD (tương đương 10,8 tỷ đồng). Trong khi đó, các bất động sản 3-4 phòng ngủ có giá trung bình là 977.000 USD (22,4 tỷ đồng).

Giá bất động sản nói chung trên toàn thành phố đã tăng khoảng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các bất động sản mới có nhu cầu cao hơn, khiến mức giá tăng 10,4%, gấp đôi so với mức tăng chung của thị trường.

Bà Erin Ting – Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Savills Đài Bắc – cho biết lãi suất thấp cùng với các gói kích thích kinh tế do đại dịch và căng thẳng thương mại Mỹ – Trung khiến các công ty công nghệ chuyển sang Đài Loan, thúc đẩy giá bất động sản nơi đây tăng mạnh.

Theo bà, xu hướng tăng giá này sẽ còn tiếp tục. “Mặc dù giá nhà trung bình trong tháng 7 chưa được công bố nhưng tôi nghĩ rằng giá sẽ tiếp tục tăng”, bà Ting nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *