👉 👉 Nhà đất vẫn tăng giá trong đại dịch


Nhà mặt phố, nhà riêng lẻ trong khu dân cư vẫn tăng về nguồn cung và nguồn cầu tại cả Hà Nội và TP HCM. Nhà liền thổ trong các khu đô thị, dự án ghi nhận sụt giảm nguồn cung tại khu vực TP HCM và vùng lân cận nhưng giá bán vẫn tăng do người Việt có tâm lý ưu tiên loại hình này hơn.

Nhà đất vẫn tăng giá trong đại dịch

Nhà mặt phố, nhà riêng tăng cung tăng cầu

Quý II, thị trường nhà mặt phố, nhà riêng trong khu dân cư tại Hà Nội và TP HCM vẫn ghi nhận những tín hiệu khả quan về giá bán, tốc độ tăng giá hơn loại hình khác, theo báo cáo từ Batdongsan.com.vn.

Tại Hà Nội, thị trường sôi động hơn khi nhiều người quan tâm hơn tới 2 loại hình này. Mức độ quan tâm (đại diện nguồn cầu) nhà riêng tăng 17% còn nhà mặt phố tăng tới 33%. Lượng tin đăng (đại diện nguồn cung) cũng tăng 45 – 49% so với quý liền trước.

Giá rao bán ở nhiều khu vực cũng tăng so với quý trước. Ở nhà mặt phố, quận Ba Đình có giá rao bán cao nhất, tới 374 triệu đồng/m2, tăng tới 10%. Các quận Tây Hồ, Đống Đa, Hai Ba Trưng cũng có mức giá rao bán cao, khoảng 290 – 370 triệu đồng/m2, tăng 4 – 5% quý trước. Các quận vùng ven như Hà đông, Long Biên, Thanh Xuân cũng ghi nhận tình trạng giá rao bán tăng 3 – 5%, trong khoảng 150 – 220 triệu đồng/m2.

Nhà đất vẫn tăng giá trong đại dịch - Ảnh 1.
Giá rao bán nhà mặt phố, nhà riêng tại Hà Nội. Nguồn: Batdongsan.com.vn

Đối với nhà riêng, giá rao bán tại Cầu Giấy cao nhất, lên tới 159 triệu đồng/m2, tăng 7%. Các quận nội thành khác như Tây Hồ, Đống Đa, Hai Bà Trưng cũng tăng 5 – 6%, ghi nhận mức giá khoảng 130 – 150 triệu đồng. Các quận ngoại thành cũng tăng 3 – 6% giá rao bán, mức giá cao nhất lên tới 120 triệu đồng/m2 tại Thanh Xuân.

Batdongsan.com.vn ghi nhận giá rao bán nhà riêng tại Hà Nội cao hơn 2 lần so với giá chung cư , đồng thời tốc độ tăng giá cũng cao hơn. Một số quận như Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân có tốc độ tăng giá 5 – 6% theo quý.

Tại TP HCM, tình trạng trên cũng xảy ra tương tự Hà Nội nhưng sự thay đổi nhỏ hơn. Mức độ quan tâm tăng 4% với nhà riêng và 12% với nhà mặt phố, lượng tin đăng tăng 13 – 14% so với quý liền trước. Giá rao bán nhà mặt phố tại các quận trung tâm tăng 4 – 5%, cao nhất tại quận 5 là 334 triệu đồng/m2. Nhà riêng cũng tăng giá rao bán 3 – 5%, cá biệt quận 4 tăng tới 11% và đạt giá trị cao nhất, lên 198 triệu đồng/m2.

Nhà đất vẫn tăng giá trong đại dịch - Ảnh 2.
Giá rao bán nhà mặt phố, nhà riêng tại TP HCM. Nguồn: Batdongsan.com.vn

Nhà liền thổ tăng giá bán

Nguồn cung nhà liền thổ (biệt thự, nhà liền kề, nhà phố thương mại) theo Savills Việt Nam có sự sụt giảm mạnh. Lượng giao dịch cũng thấp trong 6 tháng đầu năm, chỉ đạt khoảng 500 căn, giảm 50% so với cùng kỳ.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam cho biết do lượng tồn kho ít nên không có nhiều sự tăng giá trong những sản phẩm đang chào bán. Tuy nhiên, giá bán tại thị trường thứ cấp lại có mức tăng giá khá ấn tượng, khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên do bởi người Việt Nam vẫn ưu tiên nhà ở liền thổ hơn. Do đó, những sản phẩm nhà phố, đặt biệt là các sản phẩm được phát triển trong các dự án rất được nhà đầu tư quan tâm, tỷ lệ hấp thụ cũng rất tốt.

Nhà đất vẫn tăng giá trong đại dịch - Ảnh 3.

JLL cũng ghi nhận giá bán sơ cấp trung bình của nhà liền thổ TP HCM và các tỉnh lân cận trong quý II vào khoảng 65 triệu đồng/m2, tăng 16% cùng kỳ năm trước và 8% so với quý liền trước. Mức tăng này chủ yếu đến từ các dự án quy mô lớn ở TP Thủ Đức, Đồng Nai, Long An và những dự án nằm ở khu vực có mật độ đô thị hóa cao như ở Bình Dương. Trong đó, nhà sơ cấp tại TP HCM vào khoảng 136 triệu đồng/m2, gấp 2 – 3 lần các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Bịa – Vũng Tàu.

Từ nửa cuối năm 2021 đến 2023, Savills cho rằng nguồn cung nhà ở liền thổ vẫn tập trung chủ yếu tại khu Đông của TP HCM, chiếm khoảng 32% trên tổng số nguồn cung mới. Bà Trang chia sẻ thêm các doanh nghiệp phát triển đổ dồn về khu Đông là kết quả kế thừa của sự phát triển hạ tầng trong thời gian vừa qua, cũng như mức độ đô thị hóa ở khu vực này đang phát triển rất nhanh. Nhìn vào kế hoạch phát triển hạ tầng tại TP HCM từ nay đến năm 2025, nhiều dự án hạ tầng lớn tại khu Đông cũng đang nằm trong kế hoạch. Do vậy, Savills kỳ vọng rằng việc nâng cấp, mở rộng những tuyến đường lớn này sẽ giúp thị trường bất động sản nơi đây phát triển tốt hơn trong tương lai.

Còn JLL dự đoán quỹ đất hạn chế ở TP HCM và sự gia nhập của các dự án tích hợp chất lượng cao ở các tỉnh vệ tinh, giá bán sơ cấp trung bình của loại hình nhà liền thổ tại khu vực miền Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo Lê Xuân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *